Ngành sản xuất than có tính đặc thù cao là nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Hơn nữa, đây là ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu theo dây chuyền, nên số lượng lao động tập trung lớn. Để có sản phẩm trở thành hàng hóa bán ra thị trường, mỗi tấn than phải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn phức tạp. Mỗi khâu, mỗi bộ phận là một mắt xích quan trọng không thể thiếu và luôn gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau. Từ khâu lập kế hoạch, phương án mở vỉa khai thác, cung ứng vật tư thiết bị, khoan nổ mìn, đào chống lò, hay bốc xúc đất đá trên tầng lộ thiên, vận tải than, chế biến, đến tiêu thụ... đều cần tinh thần kỷ luật và đồng tâm.
Trong dây chuyền sản xuất, công đoạn sau phải khớp với công đoạn trước, người này phụ thuộc vào người kia, nhìn nhau mà làm, tránh sơ suất, sai sót. Muốn giữ được an toàn, bắt buộc thợ mỏ phải rất cẩn trọng trong từng đường đi, nước bước, trong mỗi thao tác cụ thể. Nghĩa là bắt buộc phải chấp hành một cách nghiêm ngặt biện pháp kỹ thuật an toàn, quy trình sản xuất và mệnh lệnh của người chỉ huy, chẳng khác gì người chiến sĩ chiến đấu ngoài chiến trường.
“Đó là thứ kỷ luật bắt buộc đối với mọi người cùng hành nghề làm mỏ, từ công nhân mới vào nghề đến giám đốc, tổng giám đốc. Mỗi người đều phải rèn luyện bản thân để có tay nghề cao và tự giác chấp hành kỷ luật, cốt sao giảm tối đa sự tổn thất trong quá trình sản xuất” - Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc TKV nhận định.
Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, thợ mỏ ngành than đã thấm nhuần tinh thần kỷ luật và đồng tâm, biến nó thành sức mạnh để chinh phục những giới hạn của công nghệ sản xuất.
Câu chuyện về ý chí của những người thợ mỏ Hà Lầm trong công cuộc khai sơn, phá thạch, lần đầu tiên đặt chân xuống độ sâu -400m của dự án khai thác than bằng lò giếng đứng đã chứng minh sức mạnh văn hóa kỷ luật và đồng tâm của ngành than.
Khi đào lò ở độ sâu này, thợ mỏ Hà Lầm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Điều kiện địa chất có nhiều biến động, cấu trúc địa tầng phúc tạp hơn so với tài liệu thăm dò. Các gương lò đào có tiết diện thi công lớn, mức đào liên tục xuống sâu, đi xa, khiến công tác vận tải người và vật liệu vô cùng vất vả. Khó là vậy, nhưng bằng ý chí và quyết tâm của những thợ mỏ Hà Lầm, dự án đã thành công như mong đợi.
Thấm nhuần văn hóa kỷ luật và đồng tâm, thợ mỏ ngành than cũng biến đó thành sức mạnh để tự mình vượt qua những biến cố trong nghề mỏ.
Thợ mỏ Mông Dương sửa chữa máy bơm trong đường lò -97,5m sau trận mưa lũ “lịch sử” hồi cuối tháng 7/2015
5 năm trước, khi trận mưa lụt lịch sử nhấn chìm mỏ than Mông Dương trong biển bùn, nước, hàng nghìn công nhân đứng trước nguy cơ mất việc làm. Tuy nhiên, thay vì bỏ mỏ, thợ lò Mông Dương vẫn đoàn kết, chia sẻ với lãnh đạo đơn vị, đồng tâm hiệp lực cứu mỏ, hồi sinh diện sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Sự kiên trung của thợ mỏ Mông Dương đã được TKV đề cao, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong ngành than - khoáng sản. Thợ lò Nguyễn Văn Kiên (Phân xưởng Khai thác 7, Công ty CP Than Mông Dương), chia sẻ: Bài học ý nghĩa nhất mà chúng tôi rút ra trong sự cố ngập mỏ năm ấy là kỷ luật và đồng tâm. Chỉ có kỷ luật và đồng tâm, chúng tôi mới có đủ sức mạnh để bám trụ đến cùng với mỏ, thần tốc hồi sinh diện sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Theo lộ trình, TKV đang thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại sản xuất theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, đòi hỏi phải có nhiều yếu tố, song quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Đồng thời, phát huy các giá trị, giáo dục, bồi đắp những truyền thống tốt đẹp, khích lệ thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có trách nhiệm tiếp bước những chặng đường lịch sử vẻ vang và hào hùng của bao thế hệ cha ông đi trước, xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phát triển bền vững.