Đối với các đơn vị cơ khí, việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật là yếu tố quan trọng nâng cao năng lực chế biến, chế tạo, cũng như sản xuất các sản phẩm cơ khí chất lượng cao cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tại Công ty CP Công nghiệp ô tô, hằng năm đã có hàng chục sáng kiến được áp dụng vào sản xuất.
Khi Công ty Eurotas của Pháp đặt làm khoảng hơn 5.000 con lăn với yêu cầu 2 cốc con lăn không được hàn vào vỏ, mà dùng phương pháp vê đầu ống cố định với cốc đỡ bi. Nếu để sản xuất được con lăn sẽ bớt đi một công đoạn hàn, tuy nhiên, cần đầu tư hệ thống máy móc mới phù hợp. Nhằm giảm chi phí đầu tư hệ thống máy móc mới cho Công ty, mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc, nhóm tác giả do anh Phùng Văn Huyên (Phân xưởng Cơ khí) làm trưởng nhóm đã nghiên cứu đưa ra sáng kiến “Thiết kế, chế tạo bộ đồ gá để tóp 2 đầu ống con lăn, áp dụng đối với việc sản xuất con lăn không hàn cốc đỡ bi với vỏ con lăn”. Sau khi sản xuất lô hàng này đã được đối tác chấp thuận và đặt đơn hàng thứ 2.
Ông Hoàng Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Công nghiệp ô tô, cho biết: Năm 2020, Công ty đã có 25 sáng kiến được công nhận, đem lại hiệu quả cao, với giá trị làm lợi gần 1,6 tỷ đồng. Nhờ đó, Công ty không chỉ khẳng định được chất lượng, thương hiệu sản phẩm đối với thị trường trong nước, mà còn từng bước khẳng định được thương hiệu với các đối tác khó tính ở thị trường nước ngoài như Pháp, Nhật Bản...
Năm 2020, Công ty CP Công nghiệp ô tô có 25 sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn
Trong lĩnh vực sản xuất hầm lò, đã có rất nhiều sáng kiến đổi mới công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, giảm sức lao động. Đây chính là chìa khóa đưa ngành Than trở thành một ngành công nghiệp phát triển bền vững như mục tiêu hướng đến.
Công ty CP Than Hà Lầm là một trong những "cái nôi" của phong trào sáng tạo trong ngành Than. Điển hình là sáng kiến "Tời chở người dạng ngồi" vừa được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2020 tại khu vực sản xuất của mỏ ở mức -290m đến -230m. Anh Trần Nam Trung, Phó trưởng phòng Cơ điện - Vận tải, Công ty CP Than Hà Lầm, cho biết: Với sự chỉ đạo của lãnh đạo Công ty, chúng tôi đã tính toán và đưa ra giải pháp nghiên cứu sử dụng tời chở người dạng ngồi với mã hiệu RJKY-55, năng suất vận tải 400 người/giờ. Nếu như trước đây, sau khi kết thúc hành trình ngồi xe song loan, thợ mỏ phải tiếp tục đi bộ lên thượng mất khoảng 30 phút chưa tính thời gian nghỉ, thì nay, với tời chở người dạng ngồi, thợ lò chỉ mất 5 phút để lên thượng.
Theo Phó Quản đốc Công trường Khai thác 5, Công ty CP Than Hà Lầm Trần Thế Hiển, sau khi đưa tời vào hoạt động, tỷ lệ nghỉ sau ngày cuối tuần của thợ mỏ đã giảm đáng kể. Ngày công lao động của thợ mỏ ở lò chợ tăng lên 22-23 công/tháng, trong khi trước đó chỉ 19 công; công tác sản xuất, anh em thợ khấu lên 5-7 giá (trước chỉ 3-5 giá); năng suất tăng lên 500-700 tấn/ca (trước chỉ 350-400 tấn/ca).
Tời chở người dạng ngồi của Công ty CP Than Hà Lầm
Nhờ áp dụng các sáng kiến, giải pháp sáng tạo, đổi mới công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, đã nâng năng suất lao động, doanh thu toàn Tập đoàn năm sau tăng so với năm trước hàng chục phần trăm. Có nhiều công trình, đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được cán bộ, đoàn viên, người lao động nghiên cứu, ứng dụng tại nơi sản xuất, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí đầu tư đổi mới công nghệ, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo thống kê của Công đoàn TKV, năm 2020 có gần 4.000 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng hiệu quả tại nơi làm việc, làm lợi khoảng 450 tỷ đồng; 38 đề tài, sáng kiến của cá nhân được tặng Bằng lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam... Qua phong trào thi đua “Thợ mỏ sáng tạo” đã có 114 đề tài, sáng kiến được Công đoàn TKV công nhận, tặng bằng khen và khen thưởng danh hiệu “Thợ mỏ sáng tạo” trên các lĩnh vực.